Một ngày của Nhân viên kaigo

  • Category: News
  • Updated at: 2021-11-12

Do có khá nhiều bạn nhắn tin đến và hỏi mình về công việc cụ thể của nhân viên chăm sóc mà hiện nay đại đa số mọi người thường gọi là Hộ lý là gì??? Nên hôm nay mình chia sẻ chút kinh nghiệm bản thân về công việc này nha.

Điều đầu tiên thì mình xin nói ý kiến của cá nhân đó là mình thực sự không thích từ "Hộ lý" mà mọi người vẫn gọi đâu! Vì về cơ bản thì bên Việt Nam mình chưa có công việc này, mà bản chất công việc Hộ lý bên Việt Nam mình cũng không giống công việc của nhân viên chăm sóc. Hay cũng có một số người gọi công việc Kaigo là điều dưỡng, nhưng thực tế thì chúng ta không được làm các hành vi về y tế. Cho nên cũng không thể gọi Kaigo là điều dưỡng được. Kango (看護) và Kaigo (介護) là 2 nghề khác nhau.

Vì là chưa có tên chính thức nào khác nên cho phép mình được gọi tên công việc này là “Nhân viên chăm sóc”.

Là công việc chăm sóc con người, hay cụ thể là chăm sóc các cụ già, (người khuyết tật) cho nên công việc đòi hỏi phải có mặt nhân viên 24/24H. Chính vì vậy mà công việc sẽ được chia theo ca kíp. Thông thường như mình thấy sẽ được chia ra theo 3 ca: ca sớm, ca thường, ca muộn. Chia ca thì tại các viện sẽ có chút chênh lệch về giờ giấc. (Như viện mình làm trước đây thì sẽ chia: ca sớm từ 7-16H, ca thường 9-18H, ca muộn 11-20H, ca muộn hơn 13-22H). Ngoài 3 ca sẽ còn có thêm người làm đêm. Làm đêm thì cũng tùy từng viện, có viện sẽ làm ca đêm 8-10 tiếng (VD: ~22h-8h AM), có viện sẽ làm ca đêm trên 16 tiếng (VD: ~16h~ 9h AM. Thường theo mình thấy nếu làm ca đêm dài trên 16 tiếng thì các bạn sẽ được nghỉ thêm 1 ngày hôm sau (gọi là ngày 明け). Còn 8 -10 tiếng thì không có, ngày hôm sau làm xong về nghỉ thì ngày đó chính là ngày nghỉ trong tháng của mình. Cá nhân mình thấy thì làm trên 16 tiếng xong về nghỉ ngơi 2 ngày thì cơ thể sẽ đỡ mệt mỏi hơn. laughing

Tuy là chia theo ca nhưng công việc của một nhân viên chăm sóc sẽ gần như giống nhau, sẽ chỉ khác một chút giữa các ca kíp thui:

  1. Đánh thức các cụ dậy, vệ sinh răng miệng (Ca đêm hoặc ca sớm sẽ làm).
  1. Hỗ trợ ăn uống: Thông thường sẽ là 3 bữa chính (1 or 2 bữa phụ). 3 bữa chính (sáng, trưa, tối) + 2 bữa phụ: tầm giữa bữa trưa và sáng và tầm giữa chiều. Đối với các cụ tự ăn được thì mình sẽ quan sát hỗ trợ khi cần thiết. Đối với các cụ không tự ăn được thì sẽ hỗ trợ một phần hoặc hỗ trợ hoàn toàn. Sau khi ăn xong thì sẽ hỗ trợ uống thuốc.
  1. Hỗ trợ tắm giặt: Xác nhận tình trạng sức khỏe của người già. Chuẩn bị phòng, bồn tắm. Sau đó bắt đầu hỗ trợ tắm cho người già. Công việc này thường sẽ có thêm nhân viên khác cùng làm với mình. Đối với những người sử dụng có thể đi lại được, có thể vào bồn tắm thông thường được thì sẽ sử dụng bồn tắm thông thường (一般浴). Đối với người sử dụng không thể vào bồn được thì sẽ sử dụng các máy hỗ trợ phù hợp với tình trạng mỗi người như bồn ghế tắm (チェアー浴), hay bồn giường tắm(ベット浴). Nhân viên chăm sóc sẽ hỗ trợ cởi quần áo, tắm gội sạch sẽ bằng vòi sen sau đó sẽ hỗ trợ đưa người sử dụng vào ngâm bồn tắm. Sau đó sẽ lau khô người, sấy tóc thay quần áo và đưa các cụ về phòng.
  1. Hỗ trợ bài tiết, thay bỉm: Đa phần các bạn khi mới bắt đầu công việc này, thì thấy phần hỗ trợ này sẽ khá là vất vả kể cả về thể chất, tinh thần. Đối với những người có thể bài tiết tại nhà vệ sinh thì nhân viên sẽ hỗ trợ cho họ bài tiết tại nhà vệ sinh. Đối với những người không thể đi lại được, hay bị liệt giường thì sẽ dùng bỉm. Số lần thay bỉm trong một ngày sẽ tùy thuộc vào từng nơi và tùy thuộc vào tình trạng của từng người. Khi thay bỉm hay hỗ trợ bài tiết tại nhà vệ sinh nhân viên chăm sóc cũng phải chú ý đến tình trạng phân hay nước tiểu của họ có bất thường hay không.
  1. Chăm sóc hỗ trợ răng miệng: Đánh răng sau khi ăn xong, làm sạch răng giả cho những cụ đeo răng giả.
  1. Theo dõi sức khỏe của người già. Quan sát, ghi chép về vấn đề sức khỏe của người già. Đo nhiệt độ, huyết áp. Khi có bất thường gì về sức khỏe thì phải báo ngay cho điều dưỡng, thông báo cho nhân viên khác cùng hỗ trợ.
  1. Chăm sóc giấc ngủ.
  1. Ghi chép: Có thể là ghi chép bằng tay, hay ghi chép bằng máy tính (tùy từng biết từng viện). Thông thường sẽ là ghi chép các mục như: tình trạng trong ngày, ăn uống, bài tiết, nhiệt độ, huyết áp, ...
  1. Ngoài ra còn một số những công việc khác như: Di chuyển, cắt móng tay, cạo râu, hoạt động giải trí (karaoke, vui chơi, ...) dọn dẹp, lau dọn phòng, thay ga giường, rửa cốc chén, vứt rác, lau dọn nhà vệ sinh,... Đi dạo, tập thể dục, hoặc đến mùa hoa thì sẽ cùng mọi người trong viện đi ngắm hoa, hay đi hái quả (dâu tây, nho, ...) Tham gia tổ chức các hoạt động hội hè của viện ...

Và quan trọng nhất khi làm việc đó là  phải quan sát (見守り) ko thì các cụ ngã, hay các cụ bị suy giảm trí nhớ (認知症) đi lang thang ra các nơi khác là ko được đâu nha các bạn.

Trên đây là các công việc thường ngày mà một nhân viên chăm sóc thường làm.

Tuỳ mỗi viện cách thức làm việc sẽ có đôi chút khác nhau. Nhưng về cơ bản thì sẽ là những công việc mình đã nêu ở trên, là công việc chăm sóc sinh hoạt hằng ngày cho người cao tuổi.

Ý kiến và kinh nghiệm cá nhân nên bạn nào có kinh nghiệm nào khác thì chia sẻ cho mình và mọi người cùng biết chứ đừng ném đá mình nha embarassed

Hôm sau nhóm mình sẽ chia sẻ về những kĩ năng cần thiết đối với nghề chăm sóc hay những ai thì k nên làm nghề này . Mọi người nhớ theo dõi nhé .

Thân ái           

HGT Japan       

Nguồn: Vũ Hương Giang ( Cộng đồng kaigo)